Big Mac ở tại Sài Gòn đắt hay rẻ?

Sau khi TBKTSG Online đăng bài “Chỉ số Big Mac có mặt Việt Nam” nói về chuyện tờ báo The Economist hứa hẹn ngay sau khi McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, họ sẽ cập nhật chỉ số Big Mac có bổ sung tiền đồng (VND) vào tháng tới, nhiều báo đã quan tâm đăng ngay bảng giá của các sản phẩm McDonald’s Đa Kao ngay trước ngày khai trương.
big mac

Tuy nhiên cùng một giá như nhau, có báo nói giá của McDonald’s cao hơn giá ở các nước trong khu vực, có báo lại nói rẻ hơn! Đó là vì đơn vị so sánh của các báo không giống nhau. Một trang web chuyên so sánh giá cả các mặt hàng ở khắp thế giới là Humuch? (www.humuch.com) đã quy về một đơn vị, gọi là “bữa ăn Big Mac” (BigMac meal) gồm một chiếc bánh mì kẹp thịt loại lớn Big Mac, một gói khoai tây chiên cỡ trung và một phần nước ngọt cỡ trung. Đây mới chính là món có giá 85.000 đồng trên menu của McDonald’s Đa Kao được nhiều báo trích dẫn. Tính theo tỷ giá hiện nay, khoản này tương đương 4 đô la Mỹ.

Cùng một đơn vị Big Mac meal này thì giá cả ở Na Uy đắt nhất (13,13 đô la Mỹ vào tháng 7-2013); thấp nhất là Nam Phi (2,66 đô la Mỹ vào tháng 10-2012). So với các nước lân cận, chúng ta có Malaysia (3,45 đô la Mỹ), Philippines (3,29 đô la Mỹ)… Ở Mỹ tùy vùng lại có giá khác nhau, như ở California (6,71 đô-la Mỹ), ở Washington DC (6,23 đô-la Mỹ)…

Còn lấy chiếc Big Mac để dùng giá đối chiếu của tờ The Economist thì Big Mac ở Việt Nam được bán với giá 60.000 đồng, tương đương 2,84 đô la Mỹ. Giá của chiếc Big Mac ở các nước lân cận theo tờ The Economist gồm Trung Quốc (2,74 đô la Mỹ), Indonesia (2,30), Singapore (3,6), Philippines (2,98), Thái Lan (2,92), Hồng Kong (2,32) và Malaysia (2,23).

Như thế so với các nước lân cận, có mặt bằng giá như Việt Nam thì phải nói giá chiếc Big Mac của McDonald’s Sài Gòn cao hơn ở các nước khác như Trung Quốc, Malaysia, Hong Kong hay Indonesia và gần bằng Thái Lan hay Philippines.

Điều này thật ra không có gì đáng ngạc nhiên. Đó là bởi chiếc Big Mac ở Việt Nam dùng nguyên liệu nhập khẩu gần hết, từ thịt bò Úc, philê cá trắng đánh bắt ở biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, khoai tây Mỹ. Bánh mì, theo quan sát trong ngày khánh thành cửa hàng, cũng do một nhà chuyên làm bánh ở Malaysia cung cấp. Chỉ có rau xanh và cà chua ở hệ thống McDonald’s là do các trang trại ở Đà Lạt cung cấp.

Ở các nước, sở dĩ The Economist có thể tạo ra chỉ số Big Mac là bởi chiếc bánh mì McDonald’s phản ảnh được giá cả nguyên liệu, giá công nhân, tiền thuê mặt bằng ở nước sở tại; ở Việt Nam thì không (trừ lương công nhân hay giá thuê mặt bằng) nên chỉ số Big Mac cho tiền đồng hóa ra sẽ không còn chính xác.

Câu hỏi đặt ra là liệu McDonald’s có động lực mạnh để nội địa hóa nguyên liệu không? Trả lời phỏng vấn báo chí ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam, cho biết sẽ tăng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để giảm chi phí.

Tuy nhiên, giả thử năm nay chỉ số giá tăng trên dưới 10%, tức giờ này sang năm, giá mua nguyên liệu nội địa có thể tăng thêm 10% so với hiện nay trong khi nguyên liệu nhập khẩu không tăng thì rõ ràng có rất ít động lực để mua nguyên liệu nội địa. Dĩ nhiên, chiến lược của McDonald’s có thể là không tăng giá bán, nếu vậy giá của họ sẽ ngày càng cạnh tranh với giá các loại bánh mì sử dụng nguyên liệu nội địa (phải tăng giá theo mặt bằng lạm phát). Đó chính là vấn đề tỷ giá nhìn qua chiếc Big Mac mà chỉ số Big Mac của The Economist chưa nói đến

Nguồn: Thời Báo Kinh tế Sài Gòn .

Chinese Chain Mixue Brings Its Tea to Sydney

9Round-a kickboxing themed fitness concludes deal in South Korea and signs renewal in the Middle East

Italian Pizza Fireaway is valued at £18.7 million by investors