Cạnh tranh bán lẻ đến hồi "gay cấn"

Năm 2015 sẽ là thời khắc để thị trường bán lẻ mở rộng cánh cửa hội nhập. Song có lẽ, cũng chính bởi điểm hấp dẫn đó mà các doanh nghiệp trong nước lại đang trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh ở thị trường này bởi sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại.

xeday-d5683

Những chiếc xe đẩy phục vụ “thượng đế nhí” rất ấn tượng ở Aeon.

 
Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), thị trường Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó có sự góp mặt của 21 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Số doanh nghiệp nội địa tuy chiếm một con số không nhỏ, song, để điểm mặt chỉ tên những doanh nghiệp thành công, có dấu ấn riêng và có thương hiệu thực sự rất ít, mặc dù thị trường này ở Việt Nam còn đang quá nhiều đất sống.

Thị trường bán lẻ đang khởi sắc

Theo Cục thống kê, thị trường bán lẻ Việt Nam đang khởi sắc trở lại khi hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị và khu mua sắm được mở ra. Không chỉ thu hút nhiều tên tuổi lớn của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới gia nhập vào cuộc chơi mà lĩnh vực này còn ghi nhận diện mạo mới của nhiều doanh nghiệp nội. Số lượng các nhà bán lẻ luôn giữ tỉ lệ áp đảo hơn 79% so với các ngành khác trong ngành thương mại như dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ tính toán, mức thông thường 100 ngàn người dân đòi hỏi có một trung tâm thương mại và một khu mua sắm lớn. 10 ngàn người dân cần có một siêu thị, 1 ngàn người dân cần đến 1 – 2 cửa hàng tiện lợi. Nhưng, tại các đô thị lớn của Việt Nam như TP.HCM và Hà Nội thì mức này chưa đảm bảo, mạng lưới phân phối bán lẻ của Việt Nam còn trống rất nhiều chỗ. Trong khi đó, tỷ lệ mô hình bán lẻ ở những nước khác trong khu vực khá cao như ở Philippines 30%, Trung quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%, Indonesia 43%, Thái Lan 46%… trong khi đó ở Việt Nam chỉ chiếm 22%. Khi cánh cửa hội nhập kinh tế thế giới mở rộng, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bán lẻ của nước ngoài. Điều đó lý giải vì sao, Việt Nam hiện đã có nhiều nhà bán lẻ tên tuổi như Lotte của Hàn Quốc, Aeon – Nhật Bản, hay Berli Jucket – Thái Lan…

Đối với các thương hiệu doanh nghiệp nội, nếu như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) với hệ thống OceanMart, hoặc Cty CP Xây dựng và XNK tổng hợp (Conexim) với tên gọi Eximart được xem là những thương hiệu khá tên tuổi trong “làng” bán lẻ ở khu vực phía Bắc thì tại TP.HCM, Liên minh hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty TNHH MTV thương mại Sài Gòn (Satra)… với chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích phủ kín các quận, huyện. Đồng thời mới đây, Saigon Co.op tạo thêm điểm khác biệt trong loại hình kinh doanh mới của mình qua mô hình trung tâm thương mại chủ yếu nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và khá, cao hơn 1 bậc so với các siêu thị Co.opmart hiện hữu. Cty CP đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID) thuộc Saigon Co.op được giao quản lý và điều hành trực tiếp chuỗi trung tâm thương mại, với sứ mệnh phát triển Sence City trở thành chuỗi trung tâm thương mại hàng đầu tại Việt Nam. Ðến nay Saigon Co.op đã có 63 siêu thị, một đại siêu thị Co.opXtra, 63 cửa hàng Co.opFood, 161 cửa hàng Co.op. Trong thời gian tới, Saigon Co.op tiếp tục triển khai thêm 10 siêu thị tại thành phố và địa phương khác và số siêu thị Saigon Co.op có thể lên đến 100 siêu thị vào năm 2015.

Không thua kém, Satra cũng đặt mục tiêu trong năm 2014 sẽ mở thêm ít nhất một trung tâm thương mại – siêu thị Satra và ít nhất 13 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods để đến năm 2015 sẽ mở rộng lên con số 50 cửa hàng. Hiện doanh nghiệp này đã có 32 cửa hàng Satrafoods trên địa bàn TP.HCM.

Doanh nghiệp ngoại tiếp tục lấn sân

Nếu như Metro Cash & Carry Việt Nam và chuỗi hệ thống siêu thị Big C được xem là các nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam đầu tiên đã có những thành công nhất định khi mở hàng chục siêu thị và trung tâm thương mại ở hầu khắp các thị trường bán lẻ trọng điểm của Việt Nam, thì hiện nay những “chiến binh” mới bắt đầu xuất hiện như Lotte của Hàn Quốc, Aeon của Nhật Bản, hay Berli Jucket của Thái Lan… cũng đang đẩy mạnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Theo kế hoạch của Lotte, thương hiệu này dự định sẽ phát triển 60 siêu thị và trung tâm thương mại tại Việt Nam. Aeon sau khi chính thức khai trương khu thương mại phức hợp đầu tiên tại TP.HCM với vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD cũng đang chuẩn bị khánh thành khu thứ hai đặt tại Bình Dương và kế tiếp là Hà Nội trong thời gian tới. Aeon cho biết, sẽ phát triển cho đến khi đạt con số 20 khu vào năm 2020.

Bên cạnh đó, hồi tháng 4/2013, Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) cũng tuyên bố sẽ “đổ vốn” hơn 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm. Các tập đoàn bán lẻ ngoại vào Việt Nam từ trước như chuỗi siêu thị Big C, hệ thống Metro cũng không ngừng mở rộng quy mô đầu tư.

Trước sự “đổ bộ” của tập đoàn bán lẻ của nước ngoài vào Việt Nam như hiện nay, không biết một vài năm nữa ngành bán lẻ của Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào? Đó là câu hỏi vẫn chưa có lời giải bởi TS Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch AVR đã không ít lần bày tỏ e ngại của mình khi cho rằng, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Việt Nam tuy có nhiều cải tiến và được nâng cấp nhưng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống kênh phân phối chưa tương xứng với đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Tuy vậy, cũng không thể trách các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, bởi theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp, họ đang gặp phải vướng mắc trong hoạt động từ chính những chính sách điều hành của các co quan quản lý. Đó là việc các tập đoàn bán lẻ ngoại đang có nhiều lợi thế khi nhận được nhiều chính sách ưu ái hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử như nhu cầu về mặt bằng đối với các doanh nghiệp bán lẻ là rất lớn, song ngay với nhu cầu thiết yếu nhất này, các doanh nghiệp nội lại gặp khó, trong khi các doanh nghiệp ngoại lại được đáp ứng dễ dàng hơn. Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, trong khi các doanh nghiệp nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng thì chính những vị trí đó lại dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp ngoại. Đây chính là một trong những điểm bất cập lớn mà các doanh nghiệp nội đang gặp phải hiện nay. Bởi vậy, TS Loan cho rằng, một trong những điểm nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội hiện nay chính là phải giải quyết được mặt bằng bán lẻ. Thực tế để thuê được một điểm kinh doanh rất khó, nhiều doanh nghiệp còn bị “ép” mua mặt bằng. Do vậy, TS Loan đề xuất, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất để tạo điều kiện cho ngành bán lẻ. Đối với hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, ở các công trình công cộng đề nghị cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tham gia sử dụng có hiệu quả quỹ mặt bằng ở các tuyến metro, điểm bán lẻ dưới lòng đất để phát triển trong bối cảnh hết sức khó khăn này.

Cuộc đua của các nhà bán lẻ vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng gay gắt. Để cạnh tranh được với những đối thủ mới với sự dày dạn kinh nghiệm, các nhà bán lẻ Việt Nam hơn lúc nào hết phải hoàn thiện chính sách phân phối. Trong đó có việc xây dựng lại một hệ thống phân phối hiện đại, hài hòa giữa thành thị và nông thôn, bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, cần liên kết giữa ngành bán lẻ với các cơ quan quản lý khác. Phối hợp với cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm để giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và đó chính là thước đo bền vững của một thương hiệu.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Chinese Chain Mixue Brings Its Tea to Sydney

9Round-a kickboxing themed fitness concludes deal in South Korea and signs renewal in the Middle East

Italian Pizza Fireaway is valued at £18.7 million by investors