Nước cờ mới của Kinh Đô

Xin cổ đông phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng kết quả người mua lại là những nhà đầu tư không cùng chí hướng dài hạn. Kinh Đô muốn gì sau đợt phát hành 40 triệu cổ phiếu vừa qua?

nha may kinh do

Cuối tháng 5/2014, Tập đoàn Kinh Đô (KDC) đã thống nhất phương án bán 40 triệu cổ phiếu với giá 44.000 đồng/cổ phiếu cho 5 nhà đầu tư để thu về khoảng 1.700 tỷ đồng.

Đơn thuần đầu tư “tài chính“

Kết quả của đợt phát hành cổ phiếu nói trên đã thuộc về những người mua như Công ty TNHH Tháp Láng Hạ, Công ty cổ phần Đồng Tâm và công ty con – Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Đồng Tâm, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc và Công ty cổ phần Đầu tư Trường Thịnh Phát. Đây đều là những công ty có lĩnh vực hoạt động liên quan đến bất động sản và xây dựng.

Kinh Đô hiện là doanh nghiệp kinh doanh bánh kẹo hàng đầu Việt Nam. Mục tiêu dài hạn của tập đoàn là luôn tập trung cho ngành này. Thế nhưng nếu nhìn vào chuyên môn hiện tại của các nhà đầu tư mới thì rõ ràng là họ không có kinh nghiệm trong ngành thực phẩm tiêu dùng để hỗ trợ về mặt chiến lược cho KDC.

Đại diện truyền thông của Kinh Đô cũng khẳng định, đợt phát hành cổ phiếu vừa qua của Kinh Đô chỉ đơn thuần là thu hút nhà đầu tư tài chính. Còn về định hướng lâu dài, chiến lược của Kinh Đô vẫn là tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi: thực phẩm.

Dù vậy, cũng có nghi ngại cho rằng, Kinh Đô vẫn còn nuôi tham vọng với bất động sản. Bởi hiện nay, Kinh Đô còn 2 dự án bất động sản chưa triển khai xây dựng, một ở Công ty Đầu tư Lavenue (Q.1, TP.HCM) và một dự án ở Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM (đây là nhà máy cũ của KDC trước khi được dời về Bình Dương năm 2006). Tổng giá trị vốn góp vào các dự án bất động sản của KDC là hơn 600 tỷ đồng.

Trả lời về vấn đề trên, đại diện KDC cho biết: “Kinh Đô chưa muốn phát triển các dự án bất động sản cho đến khi điều kiện thị trường thật sự thuận lợi. Năm 2014 chưa phải là thời điểm thích hợp”. Nếu đúng như vậy thì rõ ràng Kinh Đô đã thành công khi mời gọi được đối tác không cùng ngành thực phẩm chịu đầu tư nguồn tài chính cho Kinh Đô.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán đánh giá: nếu xem họ là nhà đầu tư tài chính thì sẽ rất đắc lực với KDC lúc này. Nguồn tiền mặt dồi dào giúp KDC nhanh chóng hiện thực hóa nhiều tham vọng ở ngành thực phẩm tiêu dùng.

Đánh vào mì gói – gia vị, dầu ăn và cà phê

Tính đến cuối quý 1/2014, KDC còn khoảng 2.400 tỷ đồng tiền mặt. Cộng với đợt phát hành này, KDC sẽ có tổng cộng hơn 4.000 tỷ đồng. Tiềm lực này đủ giúp KDC hiện thực hóa tham vọng lớn trong lĩnh vực bánh kẹo nói riêng và thực phẩm tiêu dùng nói chung.

KDC đã từng có tham vọng mở rộng sang lĩnh vực mì gói và dầu ăn. Sau bao lần phải tạm dừng, mong muốn đó có thể được tiếp tục triển khai với tình hình tài chính hiện nay. Nói về tham vọng lớn của Tập đoàn, đại diện KDC cho biết, Tập đoàn vẫn tiếp tục tập trung vào ngành sản xuất cốt lõi là thực phẩm tiêu dùng. Vị này tiết lộ: “Kinh Đô sẽ tham gia vào 3 ngành hàng mới, phục vụ cho người tiêu dùng suốt cả ngày”. Cụ thể, đó là ngành hàng dầu ăn, mì gói – gia vị, cà phê.

Với lĩnh vực mì gói – gia vị, KDC sẽ hợp tác toàn diện với Công ty Sài Gòn Vewong. Đây là công ty có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng, nhất là công nghệ về mì gói với thương hiệu A-one.

Trước mắt, Vewong sẽ sản xuất mì gói, cháo, phở ăn liền cho KDC. Ngược lại, KDC sẽ giúp Vewong phân phối các sản phẩm gia vị. Dự kiến, sản phẩm của sự hợp tác lần này sẽ xuất hiện vào quý 3/2014.

Về lĩnh vực dầu ăn và cà phê, đại diện KDC cho biết, công ty đang có kế hoạch mua lại cổ phần một thương hiệu đã có mặt tại thị trường Việt Nam hoặc mua cổ phần của một công ty đang hoạt động. Vẫn theo chuyên gia chứng khoán trên, nếu mua ắt hẳn Kinh Đô sẽ mua chi phối như với các thương vụ từng làm. Thị trường cà phê hiện đang được thống lĩnh bởi các ông lớn như: Nestlé, Vinacafé, Trung Nguyên… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng 15-20% mỗi năm là sự hấp dẫn không thể bỏ qua với một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng như KDC. Thông tin cụ thể về kế hoạch ở hai mảng này chưa được đại diện KDC tiết lộ, ít nhất cho tới cuối tháng 6/2014, khi diễn ra Đại hội cổ đông thường niên KDC.

Ở một góc độ khác, đối tác chiến lược gần nhất của KDC là Ezaki Glico cũng đang “xa rời” KDC khi bán dần cổ phiếu sở hữu. Đầu năm 2012, Glico mua 10% cổ phần KDC và trở thành nhà đầu tư chiến lược. Nhưng đầu năm 2014, Glico chủ động bán ra phân nửa lượng cổ phần nắm giữ. Đến tháng 5/2014, tỉ lệ sở hữu của Glico giảm xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn (do KDC phát hành thêm cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên). Tuy nhiên, Glico vẫn không có ý định mua thêm.

Hiện tại, KDC chưa cho biết sẽ tìm đối tác chiến lược mới hay không, vai trò của Glico cũng còn bỏ ngỏ. Dù vậy, lộ trình thực hiện chiến lược nhắm vào 3 ngành hàng mới của Kinh Đô đã được vạch ra. Tuy nhiên, vẫn sẽ phải chờ xem Kinh Đô sẽ tiếp tục chuyển mình ra sao với quyết tâm tấn công vào 3 ngành mới này.

Nguồn Doanh Nhân

Chinese Chain Mixue Brings Its Tea to Sydney

9Round-a kickboxing themed fitness concludes deal in South Korea and signs renewal in the Middle East

Italian Pizza Fireaway is valued at £18.7 million by investors

Chat on WhatsApp