Tại hội nghị quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2014, ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, Aeon đang tìm các nhà cung ứng Việt Nam cho sản phẩm nhãn hàng riêng Topvalu ở các siêu thị Aeon ở Việt Nam và hệ thống bán lẻ Aeon trên toàn cầu để thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan.
Đầu tháng 11, AEON khai trương siêu thị thứ hai tại Bình Dương.
Ông Yasuo Nishitohge cho biết, hiện nay tổng giá trị sản phẩm mà Aeon mua của các nhà cung ứng Việt Nam đạt giá trị 60 triệu đô la Mỹ/năm với các mặt hàng chính là cá basa, tôm thẻ, cà tím đông lạnh, cá đông lạnh sơ chế, tôm tẩm bột, bạch tuộc tẩm bột, cà phê đã chế biến… Hệ thống Aeon Việt Nam có hơn 1.000 nhà cung cấp địa phương đang cung ứng hàng.
“Aeon là nhà bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản và có mạng lưới bán hàng khắp thế giới. Các mặt hàng mà Aeon nhập khẩu có thể bán được ở các hệ thống của Aeon trong khu vực, không chỉ ở Việt Nam,” ông Yasuo Nishitohge chia sẻ.
Một số ngành hàng mà Aeon đang tìm kiếm nhà cung cấp là ngành hàng may mặc, thủy sản, nông sản. Tuy nhiên, theo ông Yasuo Nighitohge, thị trường Nhật Bản chuộng những sản phẩm an toàn (theo quy chuẩn pháp luật), vì thế doanh nghiệp cần quản lý chất lượng sản phẩm. Ví dụ như trong các sản phẩm may mặc, sản phẩm gia dụng cần quản lý dị vật thâm nhập, còn ở thực phẩm thì kiểm soát chỉ tiêu vi sinh, dư lượng thuốc thực vật, thuốc hóa học…
Để trở thành nhà cung cấp của Aeon, từng ngành hàng có những quy định cụ thể, nếu doanh nghiệp có được chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm hay Global Gap, Viet Gap… thì sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, phía Aeon sẽ đến kiểm tra và đánh giá về khả năng sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm… trước khi hợp tác chính thức.
Hội thảo trên do Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương (Vietrade) tổ chức sáng nay 26-11 tại khách sạn Rex, TPHCM.
Theo TBKTSG.