Nhiều công ty niêm yết, đại chúng hiện đang đề xuất nới thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài vào nội dung xin ý kiến cổ đông
Mặc dù Quyết định thay thế Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (còn gọi là room khối ngoại), giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư ngoại với công ty đại chúng sau rất nhiều tháng tồn tại ở dạng dự thảo, đến nay vẫn chưa biết ngày nào chính thức ban hành, nhưng trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp đã có các động thái sẵn sàng để đón cơ hội.
Tôn Hoa Sen: Dư 10%, chưa đủ!
Trên sàn niêm yết, Tôn Hoa Sen (Mã CK: HSG) là một trong những doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm tích cực của khối ngoại. Tại thời điểm hiện nay (tạm chốt ngày giao dịch 7/5/2014), HSG còn dư room ngoại 7,8%. Trong vòng khoảng 3 tuần cuối tháng 4, room ngoại của HSG luôn dao động quanh mức 8%. Cá biệt tuần đầu tháng 4, ở một số phiên giao dịch, room này rộng lên thêm trên khoảng 1%. Còn trước đó từ tháng 1 cho đến trung tuần tháng 3/2014, room khối ngoại của HSG lại diễn tiến theo chiều hẹp dần từ khoảng 14% xuống còn 10%. Như vậy có thể nói, trong suốt quí I và tháng đầu quí 2/2014, HSG liên tục thể hiện là một “món hàng” được ưa chuộng của nhà đầu tư ngoại.
Điều đó cũng không có gì khó hiểu khi trong cơ cấu cổ đông hiện nay của HSG có nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Trong quá khứ, HSG cũng từng có sự góp mặt của một quỹ đầu tư lớn của Hàn Quốc là STIC Investments và SSF Capital, một quỹ đầu tư của Malaysia. Hai quỹ này đã có đóng góp đáng kể trong hợp tác chiến lược cùng HSG kể từ năm 2010, thời điểm đánh dấu một giai đoạn vô cùng khó khăn của doanh nghiệp ngành thép. Đặc biệt, nhờ sự thỏa thuận hợp tác với nhà đầu tư ngoại (cùng với 2 công ty quản lí quỹ trong nước), HSG đã phát hành thành công gần 12 triệu cổ phần riêng lẻ cho 3 tổ chức với trị giá 538 tỷ đồng, nhờ đó có nguồn lực để đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, cung cấp cho thị trường sản phẩm tôn mạ kẽm dày – công nghệ NOF. Đây là nền tảng để HSG tăng trưởng mạnh, nắm cơ hội vươn ra thị trường xuất khẩu, đồng thời khẳng định vị thế không có đối thủ trong cung ứng sản phẩm tôn trên thị trường nội địa Việt Nam hôm nay.
Những dấu ấn nhà đầu tư ngoại trong quá khứ và việc được các nhà đầu tư ngoại tiếp tục đánh giá cao trong hiện tại hẳn là động lực chính khiến ông chủ Lê Phước Vũ và HĐQT Tôn Hoa Sen không ngần ngại khi xin ý kiến cổ đông nâng room ngoại lên 60%. Gần 10% room ngoại còn hở hiện nay rõ ràng là không đủ!
SSI và đề xuất 100%
Tương tự HSG, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có một quá trình cọ xát dày dạn cùng các nhà đầu tư ngoại. Hiện tại, SSI là một trong số ít công ty niêm yết mà khối ngoại đã sở hữu hết room cho phép. Đặc biệt, SSI hiện đang có tới 10 tổ chức đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần, trong đó có 2 tổ chức là cổ đông lớn nắm lần lượt 17,66% và 10,11% là Ngân hàng ANZ và Daiwa Securities Group.
Nói riêng về cổ đông ANZ thì đây là tổ chức nước ngoài có thâm niên đầu tư và gắn bó với SSI lâu nhất – 8 năm (tương đương hơn 1/2 chặng đường ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam).
Cùng với sự song hành của ANZ, SSI nhờ đó cũng trở thành một trong những công ty chứng khoán đầu tiên niêm yết trên TTCK Việt Nam. Nếu xem lại báo cáo thường niên năm 2007 của SSI, sẽ thấy công ty này đã rất tự hào khi được tổ chức tài chính Merrill Lynch lựa chọn là cổ phiếu duy nhất đại diện của Việt Nam vào danh sách thiết lập chỉ số ML Frontier theo các tiêu chí về tính thanh khoản, thị giá vốn và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh sự gắn bó của 2 cổ đông nước ngoài lớn nhất, SSI nay vẫn đang rộng cửa chào đón các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt cánh cửa này lúc nào cũng rộng mở sẵn sàng ở cả một số công ty có cùng Chủ tịch với SSI, điển hình như PAN – một công ty liên kết của SSI do ông Nguyễn Duy Hưng sáng lập.
Cùng với đó, trên tư cách là một thành viên tao lập thị trường có tuổi đời lâu nhất trên TTCK, SSI luôn thể hiện đẳng cấp “gừng càng già càng cay” – liên tục nhiềm năm dẫn đầu về thị phần môi giới cho khối ngoại ở các công ty chứng khoán top đầu của thị trường.
Do vậy, chẳng đáng ngạc nhiên khi SSI mạnh dạn đề xuất Chính phủ ban hành quy định nới room lên mức tối đa (100% nếu có thể). Theo SSI, điều này nhằm cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các cổ phiếu có quyền biểu quyết tại các công ty đại chúng, không thuộc những ngành nghề, lĩnh vực mà nhà nước cần kiểm soát vốn nước ngoài. Cũng không đề xuất suông, SSI đã thông qua ý kiến cổ đông để sẵn sàng nới room ngoại lên 60% ngay khi quy định nới room được cơ quan quản lý thị trường ban hành. Ông Nguyễn Duy Hưng không quên nhấn mạnh: “Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để cho thị trường minh bạch, để thu hút được nhiều nguồn vốn vào thị trường, bao gồm cả trong nước và ngoài nước, chứ không đơn thuần chỉ là một vài công ty tốt nới room để thu hút vốn rất nhanh của các tổ chức nước ngoài”.
Ngoài Hoa Sen Group, SSI, thị trường còn nhiều công ty đã sẵn sàng nới room như: Chứng khoán An Phát, Chứng khoán Kim Long, Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy… Giới chuyên môn dự báo, tới đây sẽ còn nhiều công ty niêm yết, đại chúng khác tiếp tục đưa đề xuất nới thêm room vào nội dung xin ý kiến cổ đông.
Ai cũng biết cẩn trọng là điều không thừa trong việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vừa cần đảm bảo thiết lập được những quy định về cấu trúc sở hữu trong một công ty đại chúng Việt Nam nói chung, thực hiện đúng Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, vừa cần đảm bảo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Mặt khác, phải nghiêm chỉnh thực thi cam kết mở cửa hội nhập thị trường tài chính với thế giới.
Nguồn: Doanh Nhân Online