Tăng quy mô
Nhà phát triển hạ tầng công nghiệp Thái Lan Amata có mặt tại Việt Nam 20 năm nay và là nhà đầu tư KCN thành công nhất trong lĩnh vực này. Mới đây, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh GM5 (tại thủ đô Bangkok), ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Tập đoàn Amata đã đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự án “Thành phố tương lai” với kinh phí 5 tỷ USD tại Quảng Ninh.
Dự án có diện tích sử dụng 6.400 ha đất, 300.000 lao động, được xây dựng thành một tổ hợp gồm KCN, logistics, nghiên cứu khoa học, giáo dục và triển lãm quốc tế. Chưa dừng lại ở dự án này, nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp đến từ Thái còn muốn xây dựng một KCN lớn tại Bình Định.
Trước đó, vào tháng 4/2014, sau thành công của KCN Amata tại Biên Hòa, ông Vikrom Kromadit đã ký kết với tỉnh Đồng Nai triển khai tiếp dự án KCN đô thị công nghệ cao và khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành với tổng vốn xây dựng hạ tầng khoảng 530 triệu USD. Dự án có diện tích 1.285 ha, gồm đô thị dịch vụ quy mô 753 ha, KCN công nghệ cao 410 ha và khu đô thị dịch vụ 122 ha.
Một nhà đầu tư khác của Thái là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) với dự án tổ hợp hóa dầu 22 tỷ USD tại Bình Định cũng đã đề xuất nâng cấp sân bay Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế. Charoen Pokphand Group (CP), tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
CP hướng đến mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản và cả bán lẻ. Hiện CP đã chi 150 – 200 triệu USD để xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn nuôi tôm cá, chế biến thịt gà và kho đông lạnh tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Siam Cement Plc (SCG) đang xây dựng một tổ hợp hóa dầu tại Việt Nam và mới đây đã thông báo kế hoạch rót ít nhất 100 tỷ baht (3,3 tỷ USD) để mở rộng hoạt động ở khu vực ASEAN trong 5 năm tới.
Việt Nam hiện đang được xem là điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư Thái với hàng loạt dự án tỷ đô. Có thể thấy, DN Thái chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, nguyên vật liệu, năng lượng.
“Đây vốn là thế mạnh của DN Thái, do đó, khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài, họ dễ dàng chiếm lĩnh thị phần. Riêng với lĩnh vực năng lượng, do trong nước hạn chế tài nguyên cùng với những yêu cầu về môi trường nên họ cần tìm một quốc gia khác để thực hiện, trong đó, Việt Nam là một lựa chọn”, một chuyên gia kinh tế nhận xét.
6,69 tỷ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2014, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm của Thái Lan đạt 205 triệu USD, đứng thứ 13 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, có 35 dự án cấp mới với vốn đăng ký khoảng 149 triệu USD, 14 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng 55 triệu USD.
Đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan có tổng cộng 374 dự án với vốn đầu tư 6,69 tỷ USD, xếp thứ 10 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Ở một góc độ khác, theo Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny khu vực châu Á – Thái Bình Dương Robert Trần, sự gia tăng đầu tư gần đây của DN Thái là sự đón đầu cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Với một thị trường chung lên đến 600 triệu dân và sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động sẽ là cơ hội không nhỏ cho nhà đầu tư Thái.
Mở rộng lĩnh vực
Hai năm trở lại đây, nhà đầu tư Thái đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bán lẻ. Bằng đầu tư mới, mua bán, sáp nhập, các DN Thái quyết tâm thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Mở màn cho chiến dịch tấn công ngành bán lẻ là Central Group.
Tháng 3/2014, nhà đầu tư này đã hiện thực hóa kế hoạch bằng sự ra mắt trung tâm thương mại Robins tại Hà Nội và ngày 6/12/2014, trung tâm Robins thứ hai của Central tại Việt Nam đã hoạt động ở TP.HCM.
Nhưng đây không phải là dự án duy nhất của nhà đầu tư này. Trước đó, các cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance đã có mặt tại Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.
Bên cạnh Robins và hệ thống phân phối của các công ty con, Central Group dự định sẽ thâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực bán lẻ khác. Nguồn tin không chính thức từ Nguyễn Kim cho hay, hiện DN này đang đàm phán với Central trong việc phát triển chuỗi bán lẻ.
Nếu không có gì thay đổi thì trong năm 2015, dự án hợp tác với Central Group sẽ được Nguyễn Kim công bố. Thông tin này là chính xác vì công bố trước báo giới cách đây chưa lâu, Sudhitham Chirathivat, chủ sở hữu Tập đoàn bán lẻ Central cho biết: “Central Group đang tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư tại Việt Nam.
Chúng tôi hướng tới bất kỳ DN nào có cơ cấu hoạt động phù hợp với tiêu chí ngành bán lẻ của Central Group, từ đồ điện tử đến các cửa hàng bách hóa”. Năm 2014, khoản ngân sách 15 tỷ bath (khoảng 460 triệu USD) đã được nhà đầu tư này thông qua để mở các trung tâm mua sắm tại Indonesia, Việt Nam và Malaysia.
Một đại gia khác là Tập đoàn Berli Jucker (BJC) năm 2014 cũng đã mua lại hệ thống 19 trung tâm phân phối Metro tại Việt Nam với giá 879 triệu USD. Với tiềm lực tài chính mạnh, BJC đã tăng tốc thông qua việc mua bán, sáp nhập nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ và bán sỉ tại thị trường Việt Nam.
Trước Metro, năm 2013, BJC đã mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành BMart. BJC cũng đã chi 32 triệu USD mua lại 65% cổ phần của DN bán lẻ Thái An ở miền Bắc.
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9/2014, sau thành công của thương vụ Metro Việt Nam, ông Aswin Techajareonvikul, giám đốc điều hành của BJC cho biết:“Chúng tôi nhìn thấy tương lai ở Việt Nam và Metro chỉ là bước khởi đầu. Trong tương lai, BJC sẽ đầu tư nhiều hơn nữa. Chúng tôi sẽ có một hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp và đây là con đường để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của BJC cũng như đưa hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam”.
Theo Doanh nhân Sài Gòn.