FRANCHISE ĐANG NÓNG LÊN Ở VIỆT NAM

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO và Luật Thương Mại được ban hành, số hợp đồng franchise nhượng quyền thương hiệu đã tăng vọt và dự kiến tốc độ tăng trưởng của phương thức kinh doanh này có thể đạt tới trên 20% mỗi năm.

Theo đó số liệu thống kê từ Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, đã có 530 nhãn hiệu được chuyển nhượng quyền sử dụng và 811 nhãn hiệu được chuyển nhượng quyền sử dụng trong năm 2005, và còn tiếp tục tăng với 21.000 nhãn hiệu nộp đơn xin bảo hộ độc quyền… Như vậy có thể khẳng định, franchise đã hiện hữu rõ nét tại Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở thuật ngữ chuyên ngành thương mại, và lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, bắt nhịp xu thế toàn cầu.

Franchise-nhuongquyen

Franchise tại Việt Nam:

VÌ SAO franchise ngày càng phát triển mạnh mẽ? Thực tế cho thấy sức hấp dẫn của nó tại hai điểm: chi phí thấp và ít rủi ro (theo Tổng kết của Hội liên hiệp chuyển giao thương hiệu quốc tế). Tại Việt Nam, các lĩnh vực dự báo áp dụng mô hình này nhiều nhất là kinh doanh thức uống, thực phẩm chế biến. Đây là các lĩnh vực có nhu cầu tiêu dùng cao, tiềm năng lớn và chưa có sự cạnh tranh quá lớn hiện nay.

Các thương hiệu Dilmah, Qualitea, Jolibee, KFC, Cà Phê Trung Nguyên… đang hoạt động rất hiệu quả ở Việt Nam theo hình thức franchise. Nhưng đó chỉ là những thương hiệu khởi đầu cho làn sóng franchise tại Việt Nam. Hàng loạt tập đoàn bán lẻ, đồ ăn nhanh dự kiến sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam sau thời điểm gia nhập WTO dưới hình thức franchise. Vì vậy nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm bắt nhanh hình thức này thĩ có thể sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt thị trường bán lẻ.

Năm 2006, KFC đã thành công với 19 cửa hàng ở TP.HCM và khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Đầu năm 2007, cửa hàng KFC thứ hai đã khai trương tại Hà Nội với cơ sở bề thế và đầy ấn tượng. Ngoài dự kiến mở thêm 3 cửa hàng nữa ở Hà Nội, KFC còn có kế hoạch mở hàng loạt cửa hàng tại các tỉnh miền Bắc. Tương tự như vậy, Lotteria phát triển với 18 cửa hàng, sắp tới Lotteria sẽ triển khai kinh doanh tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc để phục vụ kiểu ăn “thời công nghiệp”. Hay Jollibee, nhãn hiệu thức ăn nhanh của Philippines do Công ty Tân Việt Hương tại TP.HCM mua nhượng quyền cũng lần lượt chào hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại… Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn của thế giới như “người khổng lồ” McDonald’s, Starbucks Café, Cửa hàng tiện lợi Seven – Eleven, Wallmart… cũng đã có kế hoạch đặt chân vào thị trường Việt Nam trong năm 2007.

Franchise thành công của Việt Nam không thể không kể đến nhãn cà phê Trung Nguyên. Đây là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nắm bắt và triển khai hình thức kinh doanh này. Đến nay, thương hiệu Trung Nguyên đã có mặt tại 64 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 500 quán cà phê nhượng quyền chính thức. Không dừng lại ở đó, Trung Nguyên đã có mặt tại Nhật Bản, Campuchia, Singapore, Thái Lan và đang nhắm đến Thượng Hải cùng những thành phố khác dọc theo bờ biển phía Đông Trung Quốc. Hiện nay, nếu chưa đề cập sâu đến vấn đề chất lượng nhượng quyền thì mô hình G7 – Mart của Trung Nguyên tiếp tục được xem là ý tưởng táo bạo nhằm tìm hướng cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài trong việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.

Công ty Cổ phần Kinh Đô cũng là một trong những doanh nghiệp rất thành công với mô hình này. Hiện nhãn hiệu Kinh Đô có mạng lưới  150 nhà phân phối và trên 30.000 điểm bán lẻ rộng khắp trên cả nước. Công ty Tranh thêu tay XQ Silk đã chuyển nhượng thành công nhãn hiệu của mình tại Mỹ, với giá 100.000 USD. Foci cũng có thể coi là một thương hiệu đã franchise thành công. Trong 48 cửa hiệu thời trang Foci hiện nay, có 35 cửa hiệu nhượng quyền thương mại. Dự kiến, năm 2008, Foci sẽ nhân lên 100 cửa hiệu trên toàn quốc. Mục tiêu lâu dài của Foci là xây dựng một thương hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế và đưa Foci ra thế giới bằng con đường franchise.

Franchise ra quốc tế

Với những doanh nghiệp Việt Nam đang có tham vọng mở rộng ra thị trường thế giới nhưng chưa đủ sức để tấn công trực tiếp các thị trường lớn đầy tiềm năng như Mỹ, EU hay Nhật Bản thì franchise quả là một bước đi phù hợp. Nhượng quyền thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp xâm nhập một cách gián tiếp vào những thị trường này với chi phí thấp nhất. Đồng thời đây cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ nhãn hiệu của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài.

Các mặt hàng truyền thống Việt Nam như hàng thủ công, mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm là những sản phẩm tiềm năng có thể áp dụng mô hình franchise.Phở 24 tại TP.HCM cũng đã thành công với phương thức này khi tiếp thị thương hiệu ra nước ngoài. Với 35 cửa hàng tại 3 miền Bắc – Trung – Nam và đang trên đường “xuất ngoại” với 3 cửa hàng ở Indonesia và Philippines, Phở 24 dự kiến sẽ có 80 cửa hàng vào năm 2007 và 100 cửa hàng vào năm 2008, trong đó đã nhượng quyền thương mại 8 cửa hàng. Với sự thành công hiện có, Phở 24 có kế hoạch mở rộng thương hiệu đến tận Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, HongKong, Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian tới. Hiện, danh sách đề nghị nhượng quyền của họ có nhiều khách hàng đến từ Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

Bảo vệ thương hiệu sau Franchise

Ông Đoàn Đình Hoàng, Giám đốc Công ty tư vấn Masso nhận định rằng: “Franchise là một trong những phương thức đầu tư khôn ngoan và chắc chắn nhất hiện nay cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

Tuy nhiên, dù có nhiều ưu điểm nhưng thực tế cho thấy, franchise là mô hình kinh doanh dễ nảy sinh tranh chấp nhất, đặc biệt là về bản quyền thương hiệu, giữ gìn bí quyết nghề nghiệp và những tranh chấp về doanh thu. Hơn nữa, để thực hiện được việc này, các nhà đầu tư cũng cần có một khoản ngân sách… tương đối. Việc bảo vệ thương hiệu cũng là vấn đề sống còn của bên nhượng quyền. Việc mở rộng theo hình thức franchise khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị giảm uy tín thương hiệu nếu bên nhận quyền không thực hiện đúng cam kết. Theo kinh nghiệm của Trung Nguyên, doanh nghiệp này đã phải thành lập hẳn các đội đặc nhiệm kiểm tra đột xuất các cửa hàng xem có thực hiện đúng các cam kết về biển hiệu, bàn ghế, cách phục vụ… hay không.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Giám đốc Công ty tư vấn BDX, muốn kinh doanh nhượng quyền thành công, cần có ít nhất hai điều kiện: một nền tảng pháp luật đủ mạnh để bảo vệ người có ý tưởng, đồng thời có một hệ thống marketing tốt để xây dựng được những đặc trưng của sản phẩm, dịch vụ. Cả hai mặt trên Việt Nam còn thiếu.

Một khuyến nghị quan trọng nữa được các nhà phân tích đưa ra là: bên cạnh việc phát triển các cửa hàng, doanh nghiệp cần hết sức chú trọng đến việc giám sát các cửa hàng nhượng quyền của mình để đảm bảo giữ vững thương hiệu trong quá trình kinh doanh.

(Theo tạp chí Marketing)

Chinese Chain Mixue Brings Its Tea to Sydney

9Round-a kickboxing themed fitness concludes deal in South Korea and signs renewal in the Middle East

Italian Pizza Fireaway is valued at £18.7 million by investors

Chat on WhatsApp