Kinh Đô làm gì với “cục tiền” 1.800 tỷ vừa thu được?

Tuần trước Kinh Đô (KDC) công bố đã hoàn thành việc chào bán 40 triệu cổ phần cho một nhóm các nhà đầu tư chiến lược.

kinh do

Đây là một thương vụ khá bất ngờ đối với thị trường hiện tại xét từ cả hai phía: người mua và người bán.

Người bán:

Kinh Đô là công ty dẫn đầu trên thị trường bánh kẹo trong nước so với các tên tuổi còn lại như Bibica, Hải Hà và Hữu Nghị. Doanh thu năm 2013 của KDC là 4.560 tỷ đồng, gấp rưỡi doanh thu của 3 công ty trên cộng lại còn lợi nhuận sau thuế thì gấp hơn 5 lần, đạt 493 tỷ đồng.

Chiến lược mở rộng hoạt động của KDC gần đây đã gặp một khó khăn khi việc hợp tác với Ezaki Glico (Nhật Bản) thất bại. Mua 10% cổ phần của KDC (khoảng 14 triệu USD) từ đầu năm 2012 và được kỳ vọng lớn nhưng đến cuối năm 2013, Ezaki Glico đã bán ra một nửa cổ phiếu nắm giữ và hiện không còn là cổ đông lớn của KDC. Trong quá khứ, KDC cũng đã không thành công khi đầu tư vào Tribeco và thất bại trong liên liên minh chiến lược với Nutifood.

Mặc dù vậy, KDC cho biết họ tiếp tục sẽ xem xét chiến lược mua bán sáp nhập với quy mô lớn hơn trong năm 2014, như một phần quan trọng của chiến lược tăng trưởng chung.

Người mua và nguồn tiền:

Nhìn vào danh sách 5 nhà đầu tư mua cổ phiếu của KDC lần này, không có cái tên nào có vẻ sẽ hỗ trợ cho công ty trong chiến lược mở rộng kinh doanh cốt lỗi. Nhiều khả năng các cổ đông này chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp vốn đơn thuần cho KDC.

Đồng Tâm cùng một công ty con sở hữu 4,85% (tương đương 460 tỷ) là cái tên được biết đến nhiều nhất. Mặc dù vậy, công ty này không hề dư giả về nguồn vốn, nếu nhìn vào BCTC năm 2013. Đồng Tâm đang lỗ lũy kế 88 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 554 tỷ đồng và tổng vay ngân khoảng 1.578 tỷ đồng.

Trong 3 cổ đông còn lại, Công ty Bất động sản An Thịnh Lộc (vốn điều lệ 6 tỷ), công ty Trường Thịnh Phát (vốn điều lệ 130 tỷ) được sở hữu hoàn toàn bởi các cá nhân và không có nhiều thông tin được công bố.

Pháp nhân còn lại là công ty Tháp Láng Hạ (vốn điều lệ 140 tỷ), có trụ sở tại 89 Láng Hạ, nơi đặt dự án Láng Hạ thuộc FPT trước đây.

Cả 3 công ty này đều có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Có vẻ như đây chỉ là các pháp nhân được ủy thác đầu tư vào KDC bởi một chủ sở hữu khác chưa muốn lộ diện.

Giá trị:

Thông báo của KDC cho biết, 40 triệu cổ phiếu được bán cho 5 nhà đầu tư với cùng mức giá 44.000 đồng/cp, thấp hơn 15,4% so với giá ngày phát hành là 52.000 đồng/cp. Nếu so với giá hiện tại của KDC (59.500 đồng/cp) tỷ lệ chênh lệch còn cao hơn, khoảng 26%!

Rõ ràng các nhà đầu tư đã được lợi đáng kể trong đợt phát hành này của KDC do đợt giảm giá mạnh của thị trường chứng khoán đầu tháng 5, dựa trên nguyên tắc giá bán được chiết khấu tối đa 20% so với giá bình quân của 20 phiên giao dịch liền trước ngày phát hành.

Một mức giá mua vào thấp, đối với nhà đầu tư, sẽ tạo điều kiện cho kết quả thương vụ có lợi ích cao hơn. Đặc biệt là nhà đầu tư tài chính, tỷ suất hoàn vốn của một khoản đầu tư (IRR) là mục tiêu quan trọng.

Mục đích sử dụng vốn của KDC:

KDC không cho biết nhiều về mục tiêu sử dụng vốn trong đợt phát hành này ngoài việc đề cập chung chung rằng công ty sẽ đầu tư phát triển một số ngành hàng mới và bổ sung vốn lưu động.

Trước đó tại ĐHCĐ năm 2013, lãnh đạo KDC cho biết công ty sẽ gia nhập vào thị trường mỳ gói và dầu ăn. Một kế hoạch ra mắt sản phẩm mỳ gói mang thương hiệu Kinh Đô vào tháng 9/2013 dường như đã bị thay đổi và đến nay KDC chưa có thông tin gì thêm.

Những người thạo tin trên thị trường tài chính cho biết, KDC đang có kế hoạch mua lượng cổ phần lớn một công ty dầu ăn để gia nhập vào thị trường này.

Hiện KDC đang có gần 2.400 tỷ tiền mặt, sau đợt phát hành này (1.760 tỷ) nguồn tài chính sẵn sàng cho đầu tư của KDC sẽ lên tới gần 200 triệu USD.

Nguồn BizLive

Chinese Chain Mixue Brings Its Tea to Sydney

9Round-a kickboxing themed fitness concludes deal in South Korea and signs renewal in the Middle East

Italian Pizza Fireaway is valued at £18.7 million by investors