Một năm sôi động hoạt động mua bán – sáp nhập

Năm 2014 Việt Nam chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn trong nhiều lĩnh vực mà nổi bật là bán lẻ, bất động sản và ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Năm 2014 sôi động với các thương vụ M&A - Ảnh minh họa: Hùng Lê.

Năm 2014 sôi động với các thương vụ M&A – Ảnh minh họa: Hùng Lê.

Trước tình hình làn sóng M&A suy giảm trong năm 2013 sau thời kỳ đỉnh cao vào năm 2008 – 2009, giới phân tích đã từng nhận định tình hình khó được cải thiện trong năm 2014 do niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm, môi trường pháp luật thiếu nhất quán và điều kiện cơ sở hạ tầng kém…
Thế nhưng điều này hoàn toàn ngược lại khi trong năm qua Việt Nam chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A lớn và được nhận định là năm khởi đầu cho làn sóng thứ hai về sự bùng nổ trở lại các hoạt động mua bán-sáp nhập cho những năm kế tiếp. Làn sóng mới này diễn ra gắn liền với quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước cùng sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân và sự tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài.
Bán lẻ: Đổi chủ, thay thương hiệu và…
Hơn bao giờ hết, năm 2014 đánh dấu một năm nhộn nhịp về hoạt động mua bán, thâu tóm và mở rộng hệ thống kinh doanh nhanh chóng của các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước. Nổi bật nhất là sự kiện tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan thâu tóm toàn bộ 19 trung tâm phân phối Cash & Carry và bất động sản liên quan tại nhiều tỉnh, thành của Metro ở Việt Nam.
Điều gây chú ý của thương vụ này không chỉ giá trị thương vụ lên đến 655 triệu euro (khoảng 879 triệu đô la Mỹ) mà còn cho thấy một sự “đổi ngôi” từ một tập đoàn phân phối hàng đầu châu Âu Metro sang một nhà bán lẻ BJC ở Đông Nam Á. Điều này cho thấy sự quyết tâm của BJC trong việc chiếm thị phần phân phối trong nước nhanh chóng cũng như đưa hàng Thái vào thị trường Việt Nam.
Trong năm 2014 người tiêu dùng còn chứng kiến hàng loạt thương vụ khác mà phần thắng nghiên về các nhà bán lẻ nước ngoài như Tập đoàn Lotte Mart của Hàn Quốc phát triển hệ thống kinh doanh ở một số mặt bằng của Pico tại TPHCM, Hà Nội; hay logo của nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon gắn lên tất cả các điểm bán hàng của Citimart với gần 30 điểm. Chiến lược hợp tác đưa hàng vào hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang được Aeon thực hiện trên hệ thống Fivimart…
Đối với nhà đầu tư trong nước, việc tập đoàn Vingroup mua lại đến 70% vốn của Công ty Ocean Retail (ORC) – đơn vị có hệ thống bán lẻ Ocean Mart gồm 9 siêu thị và 4 cửa hàng tiện lợi ở khu vực phía Bắc để đổi thành VinMart cũng gây không ít bất ngờ với nhiều nhà đầu tư. Không dừng lại đó, với tiềm lực tài chính mạnh Vingroup còn tiếp tục thâu tóm cả hệ thống kinh doanh 79 Mart của Alphanam vào tháng rồi.
Với dân số trên 90 triệu người và đa số ở tuổi lao động, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ rất tiềm năng. Điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài hiện nay là mảng phân phối hiện đại còn thấp (chiếm chưa đến 25% tổng thị trường bán lẻ) nên được xem là còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Chứng minh rõ nét nhất là dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng khép lại năm 2014 doanh thu bán lẻ hàng hóa trong nước ước tính đạt 2,216 triệu tỉ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013. Do đó để nhanh chóng có hệ thống kinh doanh rộng lớn, con đường đi hiện nay của các nhà bán lẻ là thâu tóm, mua lại hệ thống kinh doanh của các doanh nghiệp hiện có như trường hợp của BJC, Lotte, Vingroup …
Thị trường bán lẻ năm 2015 và những năm tiếp theo được giới quan sát nhìn nhận sẽ tiếp tục diễn ra các thương vụ M&A và cạnh tranh khốc liệt mà những doanh nghiệp yếu về tài chính, thiếu kinh nghiệm có thể sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường.
Sóng ngầm bất động sản
Thị trường bất động sản TPHCM vốn “bất động” trong nhiều năm qua nhưng gần đây chứng kiến khá nhiều dự án được khởi động trở lại. Đáng chú ý, một số dự án được hình thành nhiều năm trước, nhưng do gặp khó khăn về tài chính đã phải để hoang vắng và giờ bắt đầu “sống lại” nhờ những thương vụ liên doanh, liên kết hoặc bán đứt cho những ông chủ mới có tiềm lực tài chính mạnh hơn.
Những ngày cuối cùng của năm 2014, Novaland tiết lộ đã mua lại khu đất trên đường Mai Chí Thọ, quận 2 để phát triển dự án The Sun Avenue. Đây là dự án thứ 8 Novaland săn được trong năm. Các dự án này nằm ở quận 2, quận 4, quận 6, Phú Nhuận với tổng giá trị chuyển nhượng hàng ngàn tỉ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh thì bắt tay với hai đối tác trong nước khác để triển khai 2 dự án là Khu cao ốc chung cư – văn phòng – dịch vụ thương mại tại số 16 Âu Cơ, quận Tân Phú và Khu cao ốc văn phòng và căn hộ chung cư  tại số 10 Phổ Quang, quận Tân Bình. Cả hai dự án này, Hưng Thịnh sẽ “bơm vốn” vào để khởi động lại hoặc đẩy nhanh tiến độ xây dựng do chủ đầu tư chậm triển khai hoặc không đủ năng lực thực hiện tạm ngưng khá lâu.
Là một trong những đơn vị phân phối lớn, Hưng Thịnh cũng góp mặt trong nhiều thương vụ M&A khác như dự án Tân Hương Tower, 8X Đầm Sen, 8X Thái An, 8X Plus, 12 View, căn hộ Bình Triệu…
Nhà đầu tư nước ngoài cũng không đứng ngoài cơ hội đầu tư này như Sun Wah (Hồng Kông) đầu tư vào dự án Bay Water của doanh nghiệp trong nước ở quận Bình Thạnh; Keppel Land (Singapore) mua một dự án trong nước với giá trị hàng chục triệu đô la Mỹ. Tập đoàn Creed (Nhật) thì công bố đầu tư 600 tỉ đồng vào dự án City Gate Towers thông qua việc đầu tư trái phiếu dự án của Công ty NBB cũng như cam kết mua 50% cổ phần tại khu căn hộ NBB Garden II (11,51 ha) và NBB Garden III (8,16 ha)…
Năm 2014 lĩnh vực bán lẻ xuất hiện các thương vụ M&A lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh là trung tâm Cash&Carry của Metro Việt Nam sẽ chuyển cho BJC của Thái Lan - Ảnh: Hùng Lê.

Năm 2014 lĩnh vực bán lẻ xuất hiện các thương vụ M&A lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh là trung tâm Cash&Carry của Metro Việt Nam sẽ chuyển cho BJC của Thái Lan – Ảnh: Hùng Lê.

Có thể nói các vụ thâu tóm diễn ra rất thầm lặng ở nhiều phân khúc từ phổ thông đến cao cấp. Các nhà kinh doanh bất động sản nhận định M&A là tín hiệu tích cực góp phần làm “sống lại” những dự án “đóng băng” nhiều năm qua, cũng như kéo dòng tiền trở lại kênh đầu tư bất động sản.
Ngoài những cái bắt tay kể trên, thời gian qua, trong xu hướng liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, khá nhiều dự án bất động sản đã được hồi sinh.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mua lại những dự án “chết” là một xu hướng tích cực, là cơ hội để sắp xếp lại trật tự mới cho thị trường bất động sản. Tình hình này hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2015 do nhu cầu mua nhà ở cũng như đầu tư bất động sản ở TP HCM đã quay trở lại.
FMCGS: đẩy mạnh thâu tóm để chi phối
Tuy nhiên, hoạt động M&A sôi động trong năm qua phải kể đến ngành hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods – FMCGs). Các quỹ, nhà đầu tư, doanh nghiệp gần đây không ngần ngại công khai hướng nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Họ tin rằng ngành hàng này ít bị tác động bởi suy thoái kinh tế và an toàn hơn những khu vực khác vì liên quan đến nhu cầu thiết yếu. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nói chung đều có dòng tiền tốt.
Kinh Đô đang đẩy mạnh theo hướng đi này. Sau khi nắm giữ được 24% cổ phần trong Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) vào giữa năm 2014, Kinh Đô chính thức tham gia vào thị trường dầu ăn, một sản phẩm tiêu dùng mà theo Kinh Đô là rất thiết yếu và còn nhiều tiềm năng phát triển. Và để nắm quyền kiểm soát chi phối tại Vocarimex, Kinh Đô đang tăng lượng cổ phiếu nắm giữ lên trên 51%.
Thông qua hình thức M&A, sắp tới đây Kinh Đô cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các ngành hàng có tiềm năng phát triển cao như mì gói, cà phê, đồ uống, kem, sữa… Ông Trần Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Kinh Đô cho rằng thời điểm này là cơ hội “vàng” để Kinh Đô đẩy mạnh đầu tư qua M&A. Theo ông Việt, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam sắp ký những hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước nếu Kinh Đô không tranh thủ thời điểm này để đầu tư thì sau này sẽ bị cạnh tranh gay gắt với các đổi thủ nước ngoài.
Mặt khác, điểm thuận lợi trong việc M&A hiện nay theo ông Việt là sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp lớn có tiềm lực và uy tín tham gia mua cổ phần của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước.
Điều này cũng lý giải vì sao mới đây hãng đồ uống Thai Beverage (ThaiBev) thuộc tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã lên tiếng muốn chi 2 tỉ đô la Mỹ mua lượng cổ phần trong Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Tốc độ tăng trưởng ổn định khiến M&A trong ngành hàng tiêu dùng nhanh sôi động. Đây được coi là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất trong hoạt động đầu tư, bởi tiết kiệm các nguồn lực, thời gian và tránh được rào cản thương mại. Điều này cũng lý giải vì sao các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang sẵn sàng chi nhiều tiền để được tham gia thị trường ngay.
Đây là lý do để giải thích hãng sản xuất bánh kẹo hàng đầu thế giới Mondelez International đang làm các thủ tục mua đến 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Kinh Đô với giá bán 7.846 tỉ đồng (khoảng 370 triệu đô la Mỹ). Đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất trong ngành bánh kẹo trong nước từ trước đến nay.
Hay Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dự kiến chi 357 tỉ đồng chào mua công khai 49% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Foods) – đơn vị có thị phần lớn về kinh doanh các loại tương, gia vị, nước chấm. Nếu thâu tóm được Cholimex Foods, Masan Consumer không chỉ nâng cao thị phần mà còn tận dụng được hệ thống phân phối của đối thủ…
Rõ ràng M&A đang có dấu hiệu khởi sắc và được cho là làn sóng thứ hai, và điều này có thể sẽ đạt quy mô giá trị  lên tới 20 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 5 năm tới.
Nguồn TBKTSG.

Chinese Chain Mixue Brings Its Tea to Sydney

9Round-a kickboxing themed fitness concludes deal in South Korea and signs renewal in the Middle East

Italian Pizza Fireaway is valued at £18.7 million by investors