Năm 2012, các cơ quan tình báo Mỹ dự đoán châu Á sẽ sớm trở thành khu vực có ảnh hưởng nhất thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1750. Tới năm 2030 “châu Á sẽ vượt cả Bắc Mỹ và châu Âu gộp lại trên khía cạnh sức mạnh toàn cầu, dựa trên GDP, dân số, chi tiêu quân sự và đầu tư” – báo Economist trích dẫn.
Theo Economist, trên thực địa thì dường như tình hình châu Á đáng lo ngại hơn nhiều so với bản dự báo đưa ra. “Hòa bình, yếu tố nền tảng cho tăng trưởng kinh tế khu vực trong suốt 20 năm qua, giờ đang bị đe dọa bởi tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng” – tờ Economist viết.
Những biến chuyển mới đang đặt sức ép thay đổi lớn hơn bao giờ hết với các doanh nghiệp. Hai yếu tố đầu vào từng thúc đẩy tăng trưởng – lao động và tín dụng rẻ – giờ đang ngày càng đắt hơn.
Căng thẳng và thay đổi
Căng thẳng ở biển Đông hay căng thẳng Nhật – Trung ở biển Hoa Đông đã khiến nhiều nhà đầu tư và tập đoàn lo lắng. “Có những nguy cơ địa chính trị lớn đang bị phớt lờ hoàn toàn” – lãnh đạo một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới nói với Economist. Ảnh hưởng của tình trạng quan hệ đóng băng cũng sẽ rất lớn. Ấn Độ nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ Trung Quốc nhưng quan hệ về đầu tư thì yếu.
Ngược lại, Nhật Bản có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu có căng thẳng với Trung Quốc. Các tập đoàn sản xuất của họ có hệ thống phụ trợ chủ yếu nằm ở Trung Quốc và đây cũng là thị trường chủ chốt cho hàng hóa tiêu dùng của họ. 1/10 số chứng khoán đầu tư trên toàn cầu của Nhật chính là ở thị trường Trung Quốc.
Năm 2012, sau khi xảy ra căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc bắt đầu tẩy chay hàng Nhật. Tháng 12 năm đó, tổng lượng hàng xuất khẩu của Nhật sang Trung Quốc giảm 20% so với một năm trước đó. Tình hình giờ đã cải thiện nhưng các hãng của Nhật đang lặng lẽ tìm các giải pháp mới.
Năm 2013, chỉ có 7% đầu tư FDI của Nhật là vào Trung Quốc (so với 13% của năm 2010). Thay vào đó, tiền Nhật Bản giờ đổ nhiều vào Đông Nam Á hơn, chủ yếu ở Thái Lan và Indonesia.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn với hầu hết các nước châu Á nhưng vẫn là “người lùn” về ngân hàng và về tổ chức. Một xu hướng thay đổi nữa sẽ là sự vươn lên của đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế. Hiện nhân dân tệ được dùng thanh toán trong khoảng 18% các hoạt động thương mại của Trung Quốc và xếp thứ 7 trong số các đồng tiền được giao dịch nhiều…
20 năm trước khó mà tưởng tượng một tập đoàn Hàn Quốc sẽ trở thành người khổng lồ về công nghệ hay một tập đoàn Internet Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng giờ, đó đều là hiện thực. Nếu đủ linh động và thay đổi, các tập đoàn châu Á sẽ còn vươn tới mạnh hơn nữa trong tương lai.
Với thị trường nội địa không còn là của riêng mình, các tập đoàn châu Á giờ đang phải chuyển mình để lớn mạnh. Đối phó với giá nhân công tăng, các hoạt động sản xuất giờ đang chuyển dần từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và châu Phi – một phần bởi chính các tập đoàn Nhật lo lắng về nguy cơ chiến tranh với Bắc Kinh. Khi mà Trung Quốc đang vươn lên, Hàn Quốc cũng cố gắng để giữ ưu thế của mình. Chi phí vào R&D của Samsung tăng tới 24% trong năm 2013.
Mong muốn cao hơn của khách hàng cũng đang giúp các hãng công nghệ xâm lấn vào các thị trường truyền thống. Alibaba, tập đoàn Internet hàng đầu Trung Quốc, đang mở rộng sang các lĩnh vực ngân hàng, truyền thông và logistics. Giới phân tích ước đoán tập đoàn này có giá khoảng 150 tỉ USD – lớn hơn cả quy mô ngành thép Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang nỗ lực cải cách các tập đoàn nhà nước để đủ sức thách thức các tập đoàn đa quốc gia.
Chưa đầu tư nhiều cho R&D
Theo Economist, trong hai thập kỷ qua, các tập đoàn châu Á đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng giờ là lúc các tập đoàn này cần phải thông minh hơn, nhanh nhẹn và mang tính toàn cầu hơn.
Châu Á hiện vẫn thiếu tư duy và sự sắc sảo ở cấp độ toàn cầu. Châu Á đang khai thác tới 76% lượng quặng sắt nhưng có chưa tới tỉ lệ 1/10 các thương hiệu lớn nhất toàn cầu và chiếm chưa tới 1/10 các hoạt động về vốn. Nhật Bản và Hàn Quốc có một vài siêu sao như Toyota và Samsung. Còn lại thì rất ít hãng để lại được dấu ấn trên thương trường thế giới.
Trong giai đoạn bùng nổ 2002-2010, tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu là ở trong nước – tăng trưởng nhanh, lao động và vốn tín dụng rẻ. 2/3 các doanh nghiệp ở châu Á là doanh nghiệp quốc doanh hoặc doanh nghiệp gia đình. Những doanh nghiệp kiểu này thường có quan hệ gần gũi với chính quyền để có được đất đai và tín dụng rẻ. Khoảng một nửa tài sản của các tỉ phú ở châu Á là từ các lĩnh vực như bất động sản, vốn hay phải dùng các quan hệ thân thuộc.
Tỉ lệ này ở phương Tây là 15%.
Ngoài Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, các lĩnh vực sáng tạo hầu như bị lãng quên ở các nước châu Á khác. Mahindra&Mahindra và Great Wall, hai tập đoàn xe hơi hàng đầu của Ấn Độ và Trung Quốc có ngân sách nghiên cứu R&D tổng cộng chưa bằng 3% ngân sách R&D của Volkswagen. Lấy iPhone là ví dụ: dù được sản xuất và lắp ráp bởi công nhân Trung Quốc nhưng phần lợi nhuận chính lại thuộc về phần chất xám làm ra sản phẩm này tại Apple hay các tập đoàn công nghệ lớn. Giờ là thời điểm các doanh nghiệp châu Á cần tìm hướng để thay đổi.
Một trong những động lực đầu tiên phải thay đổi là vì châu Á tăng trưởng dưới mức tiềm năng của mình: tăng trưởng đã chậm lại trong ba năm vừa qua so với châu Mỹ. Có ba xu hướng đang diễn ra được cho là sẽ có nhiều ảnh hưởng tới khu vực. Trước hết, chi phí lao động đang tăng lên (không chỉ ở Trung Quốc), trong khi lao động Đông Á đang già đi. Thứ hai, tầng lớp trung lưu ở châu lục ngày càng đòi hỏi hơn, họ không còn chấp nhận những túi Louis Vuitton giả, họ muốn không khí sạch, thực phẩm an toàn và giải trí. Thứ ba, cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia phương Tây đang ngày càng quyết liệt hơn – các tập đoàn này đã đầu tư hơn 2.000 tỉ USD vào khu vực. Các tập đoàn này sử dụng cùng nguồn lao động rẻ tiền trong khi lại có ưu thế hơn về hệ thống cung ứng, thương hiệu và R&D.
Và “cái bẫy khủng long”
Một trong những thách thức lớn nhất đối với châu Á là quản trị, được Economist gọi là “cái bẫy của khủng long”. Châu Á đến nay vẫn chưa là mảnh đất của các tập đoàn có cổ đông với hệ thống quản trị bài bản. Các tập đoàn nhà nước chiếm tới 40% các doanh nghiệp châu Á, trong khi các tập đoàn gia đình chiếm tới 27%. 65% doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất châu lục giờ đã mất hơn 1.000 tỉ USD giá trị so với thời kỳ đỉnh cao hồi năm 2007. Giá trị thị phần của họ giảm xuống chỉ còn 40% và giới đầu tư lại tiếp tục thù ghét họ. Tỉ lệ giá vốn trên doanh thu của họ chỉ xấp xỉ 1/2 so với các doanh nghiệp không phải quốc doanh.
Có một loạt vấn đề với doanh nghiệp nhà nước. Thứ nhất, quan hệ mật thiết với nhà nước đi cùng cả trách nhiệm và đặc quyền. Cùng với giai đoạn bùng nổ về tín dụng 2008-2011, các ngân hàng Trung Quốc giờ cũng gánh khoản nợ xấu khổng lồ. Các ngân hàng quốc doanh Ấn Độ cũng có tỉ lệ nợ xấu hơn 10% và vẫn phải tiếp tục cho các tập đoàn quốc doanh thân thiết vay tiền.
Thứ hai, các doanh nghiệp quốc doanh châu Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tham nhũng và kém hiệu quả. Thứ ba, các doanh nghiệp nhà nước đặc biệt trong các thị trường phải tương tác nhiều với khách hàng thường không đủ linh động để thích nghi với thị trường. Nguy cơ này có thể thấy rõ không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà cả truyền thông – các tập đoàn Internet tư nhân đang dần chiếm lĩnh thị phần của các doanh nghiệp quốc doanh.
Theo Economist, nếu không cải cách, các tập đoàn nhà nước có thể trở thành trái bom tài chính hẹn giờ với doanh thu èo uột, chi phí vận hành lớn, điều sẽ dẫn tới các khoản lỗ lớn.