Theo báo cáo Brand Footprint, Unilever giữ vị trí quán quân ở nông thôn trong khi Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng ở thành thị.
Kết quả báo cáo mức độ phổ biến thương hiệu (Brand Footprint) do công ty Kantar Worldpanel chuyên nghiên cứu thị trường nhóm hàng tiêu dùng nhanh vừa công bố cho thấy, Unilever giữ vị trí quán quân ở nông thôn trong khi đại gia “nội” Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng ở thành thị là nhà sản xuất có thương hiệu được chọn mua nhiều nhất năm 2013.
Cụ thể, với các thương hiệu đang sở hữu, sản phẩm của nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khổng lồ toàn cầu Unilever được chọn mua hơn 400 triệu lần/năm ở nông thôn và giữ vị thế vượt trội so với bất kỳ nhà sản xuất nào với mức độ thâm nhập thị trường sâu nhất – hơn 99% hộ gia đình ở cả thành thị và nông thôn đều có dùng sản phẩm của Unilever ít nhất một lần trong năm qua.
Ở nông thôn, các thương hiệu dẫn đầu ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp và chăm sóc gia đình đều thuộc sở hữu của Unilever với P/S, Clear, Lifebuoy, Omo, Sunlight và Comfort đã giúp mang về 350 triệu điểm CRP cho nhà sản xuất này.
Ở thành thị, Unilever chỉ đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, với sản phẩm được người tiêu dùng chọn mua 57 triệu lần trong năm qua. Đáng chú ý, thương hiệu P/S và Omo của Unilever là hai thương hiệu dẫn đầu trong mỗi ngành hàng của mình ở thành thị và nông thôn.
Dẫn đầu bảng xếp hạng các nhà sản xuất với các thương hiệu đang sở hữu được chọn mua nhiều nhất ở thành thị, nhà sản xuất các sản phẩm sữa hàng đầu trong nước Vinamilk sở hữu một loạt các thương hiệu thực phẩm và sữa, bao gồm Vinamilk, Ông Thọ, Ngôi sao Phương Nam, Susu… đến được với 98% hộ gia đình thành thị và được chọn mua gần 75 triệu lần trong năm 2013. Trong khi, ở thị trường nông thôn, Vinamilk chỉ giữ vị trí thứ 3, đến được với 82% hộ gia đình nông thôn và được chọn mua hơn 200 triệu lần.
“Ông lớn” Masan thì giữ vị trí thứ hai ở nông thôn và thứ ba ở thành thị, phần lớn nhờ hai thương hiệu nước chấm được sử dụng rộng rãi ở các hộ gia đình Việt Nam: Nam Ngư và Tam thái tử. Masan còn sở hữu các thương hiệu thực phẩm và đồ uống lớn mạnh khác như Wake – up Café Sài gòn và Kokomi với mức tăng trưởng kỷ lục ở nông thôn.
Đặc biệt, Nestlé đã tiến một bước dài, tăng lên 2 hạng và đang ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng khu vực thành thị. Sản phẩm của Nestlé được chọn mua hơn 20 triệu lần trong năm qua, đến được với 85% hộ gia đình thành thị và tăng 5% về CRP. Ở tầm quốc tế, thương hiệu Maggi của Nestlé vẫn tiếp tục giữ vững vị trí là thương hiệu thực phẩm số 1 thế giới.
Trong khi, P&G từ vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng khu vực thành thị năm 2012 rơi xuống vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng khu vực thành thị năm 2013 dù sản phẩm của P&G đến được với 92% hộ gia đình thành thị nhưng chỉ được chọn mua hơn 19 triệu lần trong năm qua.
Ở khu vực nông thôn, P&G tiếp tục tụt hạng “thảm hại” từ vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng năm 2012 xuống vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất FMCG có thương hiệu được chọn mua nhiều nhất năm 2013.
Qua bảng xếp hạng Brand Footprint của Kantar Worldpanel dành cho thị trường Việt Nam đối với các thương hiệu FMCG được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị và nông thôn cũng cho thấy vị trí của phần lớn các nhà sản xuất FMCG có thương hiệu được chọn mua nhiều nhất không có nhiều thay đổi trong top 5 ở cả năm 2012 và 2013.
Song từ vị trí thứ 6 đã có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất FMCG. Cụ thể như sự thay thế vị trí đầy “ngoạn mục” giữa Nestlé và P&G trong bảng xếp hạng nhà sản xuất có thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở thành thị; hay sự vươn lên mạnh mẽ của Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (CALOFIC) từ vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng năm 2012 lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng năm 2013 ở khu vực nông thôn.
Nguồn BizLive