Thêm 1,5 tỷ USD “rót” vào thị trường bán lẻ Việt Nam?

(Dân trí) – Qua việc đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm Celadon Tân Phú (TPHCM) vào ngày 1.1.2014, tập đoàn Aeon – Nhà kinh doanh siêu thị và phân phối lẻ hàng đầu Nhật Bản, chính thức bước vào hành trình chinh phục thị trường Việt Nam…

Vào thị trường Việt Nam thông qua hình ảnh chuỗi 17 cửa hàng tiện ích  Mini Stop, đến nay tập đoàn  Aeon quyết định “dấn” thêm bước nữa, bằng gói đầu tư mới mang hình ảnh của những “đại siêu thị” Aeon Mall…
Bán lẻ tại Việt Nam: Qua thời “hoàng kim” hay vẫn là vùng đất mở?
Cập nhật trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại địa bàn TPHCM hiện nay ước trên con số 20. Trong đó, phải kể đến một vài tên tuổi “đình đám”như Lotte Mart, Crescent Mall, Diamond Plaza… đến chuỗi siêu thị dưới tên Maximark, Parkson hay cụm trung tâm Vincom A-B nằm ngay vị trí đắc địa thuộc “vùng đất vàng” của TPHCM… Tại những trung tâm này, một thời thu hút nhiều nhà kinh doanh lẻ cũng như đông đảo người tiêu dùng đến mua sắm, thư giãn… nay có phần thưa thớt hơn. Không chỉ thế, hiện đây đó vẫn có những gian hàng “ẩn mình” với dòng chữ “open soon…(sẽ sớm mở cửa!)”.  Thực tế này có phản ánh tình trạng “cung” đã vượt “cầu”? Hay nói cách khác là đã qua rồi thời “hoàng kim” của những nhà phân phối lẻ?
Song, ở một góc nhìn khác lạc quan và chuyên môn hơn, khi so sánh những thông số “cơ bản” của các nền thương mại phát triển (theo nguồn của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam) thì thị trường  Việt Nam vẫn còn là vùng đất mở, cần “khai phá”: Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, cứ 100.000 người dân sẽ cần có một trung tâm thương mại hoặc trung tâm mua sắm lớn. Hoặc 10.000 người dân cần có một siêu thị… Và với “tâm thế” này, Aeon Mall – Nhật Bản chính thức tham gia chinh phục thị trường phân phối lẻ tại Việt Nam vào đầu năm 2014…
 

Những chiếc xe đẩy phục vụ “thượng đế nhí” rất ấn tượng ở Aeon Mall Nhật Bản, liệu có xuất hiện ở Celadon Tân Phú – Việt Nam? Ảnh: Aeon Mall

Thách thức và kỳ vọng…
Aeon Mall–Nhật Bản với lịch sử hơn 250 năm hình thành và phát triển, đến nay đã có hơn 120 trung tâm phủ khắp quốc đảo, ông Soichi Okazaki – Chủ tịch Hội đồng quản trị Aeon Nhật Bản chia sẻ: Chìa khóa thành công ở chỗ chúng tôi có đa dạng chủng loại hàng hóa, nhiều dịch vụ tiện ích dành cho mọi lứa tuổi, phục vụ hầu hết các nhu cầu trong đời sống. Về chất lượng hàng hóa luôn  đúng chuẩn Nhật Bản – một chuẩn vốn được xem là khắt khe trên thế giới… Song, giá cả rất cạnh tranh!
Theo kế hoạch, “phiên bản” Aeon Mall Nhật Bản đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào 1/1/2014, tại TPHCM qua tên Celadon Tân Phú. Tiếp theo, hai trung tâm  khác sẽ lần lượt mở tại khu đô thị Canary-Bình Dương (cuối năm 2014) và Long Biên – Hà Nội (năm 2015). Không dừng ở đó, kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ mở rộng tại thị trường Việt Nam để đạt con số 20 trung tâm vào năm 2020, với tổng vốn đầu tư đến 1,5 tỷ USD.
Khi cụ thể hóa mô hình Aeon Mall tại Việt Nam, ông Yukio Konishi – TGĐ Aeon Việt Nam cho biết: Chúng tôi nhắm vào phân khúc đối tượng khách hàng thế hệ trẻ,  tầng lớp trung lưu. Điều này, chúng tôi tìm thấy sự tương đồng ở cơ cấu dân số Việt  Nam hiện nay. Chúng tôi sẽ áp dụng phong cách phục vụ ân cần của người Nhật  để đổi lấy sự hài lòng của khách Việt thể hiện qua khẩu hiệu  “Trái tim Nhật – Nụ cười Việt”!.
Đến giữa quý VI/2013, khâu chuẩn bị cho sự ra đời của Celadon Tân Phú đang chạy nước rút. Aeon Việt Nam đã  “bắt tay” cùng 120 đối tác cùng kinh doanh trong đại siêu thị này với đa dạng dịch vụ, chủng loại hàng hóa. Riêng khu vực tự chọn, hàng “made in Japan” chiếm tỷ lệ 1:3,  hàng Việt Nam chiếm 1:3;  Tỷ lệ còn lại là hàng xuất xứ từ các quốc gia khác.  Và để thu hút người tiêu dùng, chuỗi hoạt động lễ hội, vui chơi với đa dạng chủ đề đã hoàn tất,  sẽ diễn ra hàng tuần, kéo dài suốt 52 tuần trong năm 2014…
 

Ông Yukio Konishi – TGĐ Aeon Việt Nam (bên phải) trả lời báo giới. Ảnh:V.Kh

Theo kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư cho biết: Ngoài phong cách phục vụ ân cần, các hoạt động, dịch vụ cộng thêm hấp dẫn… cách “giữ chân” người tiêu dùng bền chặt nhất vẫn là chất lượng hàng hóa. Điều này được thể hiện rất ấn tượng tại Aeon Mall bản quốc, với Aeon Việt Nam, sẽ thể hiện thế nào khi có 2/3 nguồn hàng xuất xứ ngoài “made Japan”? Hay một vài gợi mở như:  Aeon có tính đến việc mở rộng lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, nhằm góp phần kiểm soát cụ thể hơn chất lượng hàng hóa tại thị trường này? Những câu hỏi của PV Dân trí hiện cũng là “thách thức” đối với nhà đầu tư…
Trong khi theo chia sẻ từ phía lãnh đạo Aeon (- PV tạm khát quát):  Tên tuổi, tầm nhìn của nhà đầu tư  +  Chữ tín, niềm tin vào đối tác + Chính sách, chiến lược kinh doanh linh hoạt = Hiệu quả kinh doanh!  Liệu “công thức” đã đem đến thành công cho nhà phân phối hàng đầu Nhật Bản tại bản quốc và nhiều quốc gia khác, có tương thích với thị trường Việt Nam? Tất cả vẫn đang bỏ ngỏ, chờ các động thái “chinh phục” cụ thể từ nhà đầu tư…

 

• Aeon là tập đoàn kinh doanh siêu thị và bán lẻ lớn nhất châu Á, hiện nắm giữ và vận hành khoảng 12.000 trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, bán lẻ… được thiết lập tại 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2012, tổng doanh thu toàn hệ thống ước đạt 62 tỉ USD; Là nhà đầu tư thứ 5 của Nhật tham gia phân phối lẻ tại thị trường Việt Nam

• Quy mô xây dựng hơn 82.000m2 diện tích sàn, chỗ đậu xe đáp ứng 900 xe hơi; 2.700 xe máy…Khi hoạt động, Celadon Tân Phú thu hút khoảng 5.000 lao động.

Việt Khuê

Chinese Chain Mixue Brings Its Tea to Sydney

9Round-a kickboxing themed fitness concludes deal in South Korea and signs renewal in the Middle East

Italian Pizza Fireaway is valued at £18.7 million by investors