Ngoài khu nội thành cũ rộng 930 ha, Trung tâm tổng hợp chính của thành phố sẽ được mở rộng sang khu Thủ Thiêm (quận 2) có diện tích 737 ha.
UBND TP HCM vừa ban hành Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh xây dựng thành phố đến năm 2025. Theo đó, TP sẽ phát triển theo hướng đa tâm, với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp Thành phố tại 4 hướng phát triển. Trong đó hai hướng chính là đông (trục Xa lộ Hà Nội và cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) và nam ra biển (trục Nguyễn Hữu Thọ); hai hướng phụ là tây – bắc (quốc lộ 22) và tây, tây – nam (trục Nguyễn Văn Linh).
Hệ thống các trung tâm gồm có Trung tâm tổng hợp chính của Thành phố tại khu nội thành cũ trên địa bàn quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930 ha, đồng thời mở rộng Trung tâm tổng hợp chính mới sang khu Thủ Thiêm (quận 2) có diện tích 737 ha.
Các trung tâm cấp Thành phố bố trí theo 4 hướng: phía đông tại phường Long Trường (quận 9) giáp với trục cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây; phía nam thuộc khu A của đô thị mới Nam Thành phố; phía bắc thuộc khu đô thị mới Tây – Bắc; phía Tây khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Các trung tâm khu vực phía bắc tại huyện Hóc Môn và phía nam tại huyện Nhà Bè.
Quy hoạch yêu cầu không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Thành phố được phân thành 5 vùng phát triển gồm: vùng phát triển đô thị tại 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới; Vùng phát triển công nghiệp tại các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè; Vùng sinh thái, du lịch dọc theo sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai, khu sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ… Vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái và các khu dân cư nông thôn tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ và vùng bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt (gồm khu bảo tồn và phục hồi sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ và rừng đặc dụng phòng hộ tại huyện Củ Chi, Bình Chánh).
Đồ án quy định quản lý dân số toàn TP HCM đến năm 2025 khoảng 10 triệu người (không kể khách vãng lai và tạm trú dưới 6 tháng khoảng 2,5 triệu người). Trong đó dân đô thị là khoảng 9,5 triệu người và nông thôn khoảng 0,5 triệu người. Dân số khu vực nội thành khoảng 7 – 7,4 triệu người; ngoại thành khoảng 2,6 – 3,0 triệu người.
Theo quy hoạch điều chỉnh giao thông TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, ngoài hầm Thủ Thiêm (đường hầm sông Sài Gòn) nằm trên trục Đông – Tây, Chính phủ đồng ý việc xây hầm Thủ Thiêm 2 băng qua sông Sài Gòn (đường sắt đôi phục vụ đường sắt đô thị số 2). 14 cây cầu mới sẽ được xây dựng vượt sông Sài Gòn gồm cầu Bình Quới (bán đảo Thanh Đa – Thủ Đức), Thủ Thiêm 2 (đường Tôn Đức Thắng), Thủ Thiêm 3 (quận 4 – quận 2), Thủ Thiêm 4 (quận 7 – quận 2)…; trên sông Nhà Bè sẽ xây cầu mới Bình Khánh; cầu Phước Khánh cũng được xây dựng trên sông Lòng Tàu…
TP HCM cũng xây dựng, hoàn thiện 5 trục cao tốc có năng lực thông xe lớn gồm TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (dài 55 km, quy mô 6-8 làn xe); TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (dài 69 km, 6-8 làn xe); TP HCM – Mộc Bài (dài 55 km, 4-6 làn xe); Bến Lức – Long Thành (dài 58 km, 6-8 làn xe); Biên Hòa – Vũng Tàu (dài 76 km, 6-8 làn xe). Tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương sẽ được mở rộng quy mô 8 làn xe.
Hệ thống đường trên cao cũng được xây dựng gồm 5 tuyến với tổng chiều dài 70,7 km; quy mô 4 làn xe. 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành khuyên nối với các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô cũng nằm trong kế hoạch xây dựng của TP HCM. Hệ thống xe buýt nhanh (BRT) theo quy hoạch sẽ có 6 tuyến (tuyến đầu tiên dọc theo đại lộ Đông – Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017).
Nguồn: VnExpress